SINH HOẠT CHUYÊN MÔN CẤP TRƯỜNG

Tháng Tám 25, 2019 2:02 chiều

SINH HOẠT CHUYÊN MÔN CẤP TRƯỜNG

  1. Nội dung:
  2. Tên hoạt động: HỘI THẢO VỀ KĨ THUẬT ĐÁNH GIÁ HỌC SINH
  3. Mục đích: GV có kĩ thuật đánh giá học sinh theo đúng tinh thần của Thông tư hướng dẫn đánh giá học sinh Tiểu học.
  4. Diễn biến:

– Thời gian từ: 14 giờ đến 17 giờ ngày 24 tháng 8 năm 2019

– Địa điểm: Tại trường Tiểu học Minh Tân

– Mô tả hoạt động:

+ Thành phần: Ban giám hiệu và toàn thể GV của 2 tổ chuyên môn: 18 đồng chí.

+ Phương tiện và điều kiện: máy tính kết nối mạng và tài liệu liên quan.

+ Trình tự hoạt động:

Ban giám hiệu nhà trường, tổ khối trao đổi chia sẻ về kĩ thuật đánh giá học sinh, Nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Những khó khăn vướng mắc…kiến nghị đề xuất với trường, Phòng…

Cá nhân trình bày chia sẻ, trao đổi;

Tổ trưởng chuyên môn cùng ban giám hiệu nhà trường thống nhất nội dung đã trao đổi để thực hiện có hiệu quả.

+Kết quả: Toàn thể GV tham gia đều nắm được kĩ thuật đánh giá học sinh thường xuyên và định kì.

+ Đánh giá:

* Ưu điểm: Hầu hết GV đều đạt được mục tiêu.

* Hạn chế: Một số giáo viên bao quát lớp học để đánh giá kịp thời còn hạn chế.

+ Bài học kinh nghiệm:

Đổi mới đánh giá học sinh là một yêu cầu tất yếu khi đổi mới mục tiêu giáo dục. Thực tế học sinh Tiểu học cần sự động viên, khen ngợi, hướng dẫn, chỉ bảo ân cần của giáo viên để các em tự tin, thích học và được học. Việc đánh giá bằng điểm số có thể động viên được các em đã có kết quả học tốt nhưng lại gây áp lực, dễ mặc cảm, tự ti đối với những em chưa biết cách học, kết quả học tập còn thấp.

Muốn nâng cao chất lượng thì  phải tạo được động cơ bên trong của việc học. Đó là phải làm cho học sinh tự tin, thích học, say mê sáng tạo trong quá trình học để từ đó phát triển năng lực, phẩm chất của chính mình. Động cơ bên trong được tạo ra và phát triển từ sự hấp dẫn của nội dung học tập, từ cách học hiệu quả, từ cách đánh giá biết khuyến khích học sinh; Kết hợp với động cơ bên ngoài để thúc đẩy sự học cho học sinh bằng phần thưởng ( quà, phiếu khen, hình mặt cười…). Chính vì vậy, việc đổi mới đánh giá thường xuyên bằng nhận xét  là một biện pháp quan trọng  giúp học sinh thích học và học tốt hơn.

Thực hiện đánh giá theo nguyên tắc vì sự tiến bộ của học sinh, không so sánh học sinh này với học sinh khác, không tạo áp lực cho học sinh, cha mẹ học sinh. Đánh giá ngay trong quá trình học tập , đánh giá sự hình thành, phát triển một số năng lực, phẩm chất, phát huy hết nội lực, tiềm năng của từng học sinh. Giáo viên biết được học sinh đạt kết quả bằng cách nào, vận dụng kết quả đó như thế nào. Từ đó giáo tư vấn, hướng dẫn giúp đỡ kịp thời để học sinh hoàn thành nội dung học tập và có phương pháp học tốt hơn. Bên cạnh đó, giáo viên cần hướng dẫn để học sinh biết tự rút kinh nghiệm, biết quan sát và học theo cách học của bạn, biết nhận xét, góp ý cho bạn; đồng thời hướng dẫn và khuyến khích cha mẹ học sinh tham gia nhận xét, góp ý cho học sinh.

Giáo viên cân nhắc các đặc điểm tâm sinh lý, hoàn cảnh… của học sinh để có nhận xét xác đáng, kịp thời, sao cho khích lệ được học sinh, làm cho các em hứng thú học tập, đồng thời phải tư vấn, hướng dẫn giúp các em biết nhận ra những hạn chế và biết hướng khắc phục. Các nhận xét, góp ý chủ yếu thông qua lời nói trực tiếp, khi cần thiết giáo viên viết lời nhận xét phù hợp vào sản phẩm, bài làm của học sinh. Lời đánh giá phải thật cụ thể tồn tại của học sinh và những ưu điểm vượt trội học sinh đã làm được, tránh làm tổn thương học sinh.

Kết quả bài kiểm tra định kì giúp giáo viên đối chiếu với quá trình đánh giá thường xuyên xem có phù hợp không. Nếu chưa phù hợp, giáo viên phải tìm nguyên nhân, có thể phải điều chỉnh cả cách dạy để hướng tới kết quả học tập tốt hơn. Đây cũng là kênh thông tin để nhà quản lí điều chỉnh công tác chỉ đạo.

 

HIỆU TRƯỞNG

 

 

Phạm Minh Tâm